Lương Cường – chiếc ghế “yểu mệnh” và nỗ lực xưng hùng xưng bá!

Sức mạnh của ông Tô Lâm tập trung ở lực lượng vũ trang. Ở chế độ này, có đến 2 lực lượng vũ trang – công an và quân đội. Ai nắm được 1 trong 2, hoặc cả 2, thì có thể “xưng hùng xưng bá trong Đảng”.

Trong nhiệm kỳ 2006 – 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh ủng hộ. Vì vậy, ông mạnh lên trông thấy, lấn át cả Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Đến nhiệm kỳ 2011 – 2016, Bộ Công an do Đại tướng Trần Đại Quang làm Bộ trưởng. Ông Quang không ngả về ai, mà muốn tự mình “xưng hùng xưng bá”, nên ông Dũng mất thế dựa. Đó là một trong các lý do khiến ông thất thế trước ông Nguyễn Phú Trọng.

Sang nhiệm kỳ 2016 – 2021, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cúc cung tận tụy, phục vụ cho ông Nguyễn Phú Trọng. Đây là thời điểm ông Trọng mạnh nhất. Tuy nhiên, sang đến nhiệm kỳ thứ 3 của ông Trọng, ông Tô Lâm đã “tạo phản”, nên bao nhiêu công sức mà ông Trọng xây dựng, đã bị ông Tô Lâm giật đổ sạch.

Ông Tô Lâm thành công leo lên chức Tổng Bí thư, và trực tiếp nắm Bộ Công an, chứ không gián tiếp như ông Dũng và ông Trọng. Bộ trưởng Lương Tam Quang chỉ được xem là thừa sai của ông Tô Lâm, thực hiện mệnh lệnh của ông mà thôi. Vì vậy, thực chất, ông Tô Lâm mới là người lãnh đạo trực tiếp Bộ Công an.

Ông Dũng mất quyền kiểm soát Bộ Công an sau khi ông Lê Hồng Anh rời Bộ này. Ông Trọng mất quyền kiểm soát Bộ Công an do ông Tô Lâm tạo phản. Vậy ông Tô Lâm thì sao? Liệu có một lúc nào đó, ông sẽ mất quyền kiểm soát Bộ Công an không?

Có lẽ là không, bởi ông Tô Lâm đang nắm trực tiếp, và nắm rất chắc Bộ Công an. Vì thế, thời gian tới, rất có thể, ông Tô Lâm sẽ còn mạnh hơn cả ông Dũng và ông Trọng ở thời kỳ đỉnh cao. Nếu phần còn lại trong Bộ Chính trị không có giải pháp, thì việc ông Tô Lâm trở thành “trùm Đảng”, với quyền lực tuyệt đối, sẽ không xa.

Hiện ông Phạm Minh Chính có vẻ an phận, cố “chịu đấm ăn xôi” để trụ lại ghế Thủ tướng. Khả năng ông Chính có thể cân bằng với ông Tô Lâm là rất thấp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoàn toàn không đủ khả năng để tranh giành. Cuối cùng, chỉ còn lại Chủ tịch nước Lương Cường – Đại tướng Quân đội.

Những năm gần đây, ghế Chủ tịch nước liên tục bị đổ gãy. Nhiệm kỳ 2016 – 2021 có 2 đời Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã có đến 4 đời Chủ tịch nước. Bỏ qua yếu tố “tâm linh”, chỉ cần nhìn thực tế thì đủ biết, đây là ghế “yểu mệnh”, rất dễ gãy và dễ bị lật.

Ông Lương Cường là một Đại tướng Quân đội, người mà ông Trọng từng dùng như một “lá chắn thép”, thay cho bà Trương Thị Mai, án ngữ Ban Bí thư, để hóa giải các cuộc tấn công của ông Tô Lâm. Ắt hẳn, ông Cường có nội lực, chứ không “yếu” như ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng.

Ông Cường từng tranh giành với ông Phan Văn Giang trong Bộ Quốc phòng. Ông từng là “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hụt” tại Đại hội 13, nên vây cánh của ông không nhỏ. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để cân bằng với ông Tô Lâm. Ông Cường cần thống nhất được các phe trong quân đội, từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, ông bắt tay với Bộ trưởng Giang , ở địa phương, ông lôi kéo các tư lệnh quân khu. Ngoài ra, nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đang trong tầm ngắm của ông Chủ tịch nước.

Việc “kéo bè kết cánh” một cách có chiến lược như cách làm của ông Lương Cường, là hồi chuông báo động cho ông Tô Lâm. Việc lôi kéo tướng mạnh quân đông về dưới trướng, không những dùng để đối nội, ứng phó với Tô Lâm, mà còn là chính sách đối ngoại hiệu quả. Tập Cận Bình đang quan sát, nếu cách làm của ông Cường đủ thuyết phục Tập, thì khi đó, cán cân quyền lực sẽ xoay chiều.

Trong “Tứ trụ”, có thể thấy, Lương Cường chính là cái tên đáng ngại nhất đối với ông Tô Lâm lúc này. Bởi ông Lương Cường muốn xưng hùng xưng bá, chứ không muốn an phận.

 

Thái Hà – Thoibao.de